(VietNamNet) - Sau câu chuyện này, hẳn phóng viên, biên tập viên của một số báo trong nước sẽ không thể quên kinh nghiệm xương máu: Nếu không thể kiểm chứng thông tin, thì tốt nhất là không đăng tải thông tin, kẻo vô tình "nối giáo" cho trò lừa đảo trục lợi của một số cư dân mạng láu cá.
Câu chuyện làm xôn xao giới IT Việt
Bài báo viết về T.H, nói rằng cậu có thể kiếm hàng trăm ngàn USD bằng kinh doanh online (ảnh chụp màn hình). |
Đầu tháng 2/2007, một trong những tờ báo điện tử uy tín của Việt Nam đăng tải thông tin về chàng sinh viên Mỹ gốc Việt chưa đầy 23 tuổi kiếm được 120 ngàn USD chỉ trong vòng ba tháng, và đang nuôi giấc mơ thành triệu phú nhờ vào các hoạt động trên mạng.
Giới trẻ Việt Nam, đang trong cơn sốt mới mang tên "kiếm tiền trực tuyến" (Online Money Maker) lập tức xôn xao vì thông tin này.
Bài báo đã được gỡ xuống cách đây vài tuần, nhưng vẫn còn rất nhiều bản sao của nó vẫn được đọc và phát tán trên mạng. Có khoảng ít nhất 10 ngàn nội dung trên mạng đăng tải lại nguyên văn hoặc dẫn đường link tới bài báo trên (theo kết quả tìm kiếm của Google). Không ít người tỏ thái độ tự hào và cổ vũ anh chàng nhân vật chính.
Trong bài báo, T.H (tên nhân vật chính được viết tắt) nói rằng cậu ta có thu nhập rất cao, bằng các hoạt động kiếm tiền trực tuyến, T.H lập một trang web và kiếm được 120 ngàn USD chỉ trong ba tháng, thậm chí mua được xe hơi.
Cậu ta cũng cung cấp trên báo các bức ảnh làm bằng chứng về sự giầu có của mình, trong đó có cả một chiếc xe hơi đời mới. Còn trên website thì đăng tải hình ảnh những tấm séc trị giá rất lớn mà cậu ta là người được nhận.
Ngay lập tức, nhiều chuyên gia và những người có hiểu biết về thế giới mạng đã đặt ra những nghi vấn thông qua "câu chuyện cổ tích thời @" này.
Quá nhiều nghi vấn
Câu chuyện của T.H được mổ xẻ đầu tiên và khá cặn kẽ trên Diễn Đàn Tin Học (www.ddth.com). Hàng trăm người đã tham gia thảo luận và đưa ra sở cứ về những nghi vấn cho rằng đây là chuyện "xạo 100%".
Điều ai cũng dễ nhận thấy nhất là sự mâu thuẫn trong thông tin do chính T.H cung cấp cho phóng viên: Cậu ta có một trang web nhờ kinh doanh online mà kiếm được 120 ngàn USD trong vòng ba tháng, sau đó rao bán lại domain này với giá 6 ngàn USD.
Nếu là bạn, bạn có bán thứ có thể mang lại 40 ngàn USD/ tháng với giá 6 ngàn USD vĩnh viễn cho người khác không?
Một số thành viên trên diễn đàn tin học kiểm tra lượt truy cập và xếp hạng của trang web mà T.H nêu ra trong bài báo. Kết quả cho thấy vào thời điểm bài báo được đăng tải, website của T.H thậm chí còn... chưa được Alexa xếp hạng. Nay thì nó đứng thứ 618,006 (Có lẽ do tác động của các bài báo viết về T.H, song đây vẫn là một con số rất khiêm tốn.)
"Với thứ hạng như vậy mà T.H nói rằng có hàng triệu lượt truy cập và kiếm được hàng chục ngàn USD nhờ đặt link quảng cáo thì chắc chắn là lừa đảo". - Một người quả quyết.
Điều quan trọng hơn, những "bằng chứng" về nguồn thu nhập khổng lồ mà T.H nêu lên là giả.
Với tấm ảnh những tờ séc nhận tiền trị giá hàng chục ngàn USD đứng tên mình, rõ ràng T.H đã tạo nó bằng... Photoshop. Tấm sec được T.H đăng lên website ngày 18/11/2006, nhưng ở dưới tờ sec lại ghi rõ khoản tiền được thanh toán cho thời gian một tháng từ 1 - 30/11/2006. Không ai thống kê và trả công cho bạn cả tháng khi mà bạn mới làm được nửa tháng!
Một điểm đáng nghi ngờ nữa là, tấm ảnh tờ séc trị giá 38 ngàn USD mà T.H post lên website có ghi rõ do "cậu chàng" được CJ.com trả công.
CJ.com là công ty làm dịch vụ Affiliate Programs - trả hoa hồng cho những người giúp họ tiếp thị trực tiếp hàng hoá qua mạng. CJ.com thường chi vài % hoặc vài USD khi bán được một món hàng. Như vậy để có được 38 ngàn USD tiền hoa hồng, T.H phải giúp công ty này bán được số hàng hoá khổng lồ trị giá hàng triệu USD qua mạng mỗi tháng - một con số lớn đến phi lý...
"Trò đùa" hay "lừa đảo"!
Và lời xin lỗi muộn màng của T.H trên website sau khi bị cộng đồng tin học Việt Nam chỉ ra trò kinh doanh của cậu chỉ là mánh lới lừa đảo. (ảnh chụp màn hình). |
Sau ba ngày, T.H tự đóng cửa trang web của mình, và đưa lên đó một dòng thông báo vội vàng: "Đây chỉ là một trò đùa".
Cậu ta cũng đính chính về các thông tin mà tờ báo điện tử tại Việt Nam đăng về mình: "Bài báo đó đã không nhận ra đây chỉ là một trò đùa!" (THE NEWS DID NOT EVEN RECOGNIZE THIS IS JUST A JOKE).
Thế nhưng có thật anh chàng láu cá này chỉ "đùa" hay không?
"Đó thực chất là một trò lừa đảo" - một thành viên của Diễn đàn tin học nói: "tôi đã liên hệ với phóng viên viết bài báo này và phóng viên đó nói rằng đã phỏng vấn T.H qua email. Như vậy việc cậu ta cung cấp thông tin cho báo chí là có chuẩn bị và có mục đích".
Chiêu của T.H là đưa lên mạng một trang web, trên đó cậu quảng bá các thông tin về bản thân, nói rằng mình có thu nhập rất cao nhờ vào các phương pháp kiếm tiền trực tuyến. Cậu đưa ra các bằng chứng về nguồn thu nhập và sự giầu có của mình để "câu khách".
Sau đó T.H dụ những người đã vào đọc site của cậu trả tiền để được đọc những ý tưởng kiếm tiền online của mình.
Rất nhiều người sẵn sàng trả tiền để đọc những ý tưởng vô thưởng vô phạt của cậu chàng láu cá. Đây mới là lúc T.H "kiếm tiền" thực sự.
Chiêu kiếm tiền của T.H đặc biệt có tác dụng lớn khi được bài báo nọ "nối giáo" giúp quảng bá website và tăng uy tín cho cá nhân cậu.
Thực tế là sau khi bài báo đăng thông tin về T.H được tung lên mạng ngày 1/2/2007, thì ngay ngày hôm sau cậu đã tự tăng giá từ 2,9 USD lên thành 5,9 USD cho mỗi lượt người đọc các ý tưởng kinh doanh trên website của cậu.
Sang ngày hôm sau, hàng loạt báo điện tử, trang tin điện tử, website, diễn đàn... tại Việt Nam đăng lại bài báo, T.H nâng tiếp giá lên 8,9 USD.
Tất cả những điều đó liệu có phải một trò đùa?
Bài học cho nhiều người
Trước những sức ép như thế từ cộng đồng mạng Việt Nam, T.H một lần nữa sửa lại lời xin lỗi trên website. "Tôi đã nói dối phóng viên, vì thế những gì bài báo viết về tôi là sai". (I LIED TO THE NEWS, SO WHAT THEY WROTE ABOUT ME IS FALSE).
T.H đưa ra lời xin lỗi: "Tôi xin thành thật nhận lỗi về những việc tôi làm và những rắc rối mà mình gây ra", đồng thời khẳng định sẽ hoàn lại số tiền cho những nạn nhân đã bị lừa trước đây.
Việc cậu chàng láu cá có hoàn lại tiền cho các nạn nhân hay không thì chưa biết, vì cậu này vẫn đang học bên Mỹ. Nhưng có người đã tỏ ra thông cảm hơn với thái độ thành khẩn của T.H.
Có lẽ đây cũng là bài học cho nhiều người, tin vào những mối lợi trời cho, bạn có thể trở thành nạn nhân cho mánh lới kiếm tiền phi pháp của những kẻ láu cá trên mạng...
Những người khác thì chĩa sự bực tức vào tờ báo điện tử đã đăng thông tin sai: "Chúng tôi đã thông báo cho phóng viên nọ, và tờ báo đã rút bài xuống, nhưng kiên quyết không chịu đăng bài đính chính. Đây không phải là phong cách truyền thông chuyên nghiệp". Một thành viên Diễn Đàn Tin Học bức xúc.
Danh dự của tờ báo, sự thất vọng của một số người từng tin vào "triệu phú trẻ tuổi kiếm tiền online" quan trọng hơn, hay cả một xu hướng xấu theo những tác động của bài báo đối với giới trẻ Việt Nam quan trọng hơn?
Rồi sẽ có hàng trăm bạn trẻ Việt Nam học theo đó "lừa đảo" để kiếm tiền trực tuyến ư? Và hàng ngàn người khác coi họ là thần tượng?
Đây là một trò lừa đảo rất phổ biến trên Internet. Bạn hãy chú ý rằng nếu kiếm tiền dễ như vậy thì tại sao họ không tự thực hiện mà đem bán cho bạn, cũng để lấy một số tiền - nhỏ hơn hằng trăm lần?
Sau câu chuyện này, hẳn phóng viên, biên tập viên của một số báo trong nước sẽ không thể quên: Nếu không thể kiểm chứng thông tin, thì tốt nhất là đừng đăng nó, kẻo vô tình "nối giáo" cho trò lừa đảo trục lợi của một số cư dân mạng láu cá.
(còn nữa)source : onboom.com
No comments:
Post a Comment